Hướng dẫn dùng ống kính góc rộng hiệu quả & các ống góc rộng hiện có trên thị trường

Ống kính góc rộng (wide-angle) là ống kính có tiêu cự ngắn hơn ống kính có tiêu cự 35mm và dĩ nhiên góc thu hình rộng hơn ống kính tiêu cự 35mm trên máy ảnh DSLR Full-Frame. Chẳng hạn như các ống một tiêu cự (prime, hay nhiều người hay gọi là ống fix): ống 24mm, 15mm, 20mm, hoặc như ống zoom wide như 14-24mm, 10-20mm ... Nói về cái ống 35mm được nhiều người chụp ảnh chuyên nghiệp "xem" là ống tiêu chuẩn (normal) nhưng bản chất nó là ống wide. Loại ống góc rộng hơn 35mm đến siêu rộng sử dụng trong việc chụp ảnh đại cảnh, kiến trúc... và đắc dụng khi ghi hình ở hoàn cảnh bị hạn chế góc chật, hoặc người dùng muốn có hiệu ứng góc rộng. Với loại ống góc rộng, chỉ cần thay đổi một chút góc chụp (vị trí đặt máy) là có thể làm một khung ảnh bình thường trở nên độc đáo và cũng có khi ngược lại, thậm chí thay đổi hoàn toàn nội dung thông tin bức ảnh.

Đang tải 2299273_camera.tinhte.25.jpg…
chụp thả diều ở biển Vũng Tàu - ống góc rộng tạo hiệu ứng thị giác gần to - xa nhỏ 


TIÊU CỰ ỐNG KÍNH
Điểm quan trọng nhất của một ống kính chính là độ dài tiêu cự, gọi tắt là tiêu cự. Tiêu cự là khoảng cách nằm trên trục tính từ trung tâm quang học của ống kính đến điểm hội tụ trên mặt phim hay cảm biến khi ống kính lấy nét ở vô cực. Tiêu cự ống kính càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn, kích thước tiêu cự và hình ảnh tỷ lệ thuận.

Một ống kính dùng cho hai loại máy ảnh số kích thước cảm biến ảnh khác nhau sẽ có cùng độ khuếch đại nhưng khác góc thu hình. Chẳng hạn ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR Full-Frame (tương đương kích thước film 35mm) có góc thu hình rộng hơn khi gắn trên máy ảnh DSLR Crop Sensor (tỷ lệ x1.3 hoặc x1.6 với dòng máy DSLR Crop sensor của Canon; Còn Nikon, Pentax, Sony thường là x1.5; hay các dòng máy chuẩn Four Thirds thường là x2). Từ đó, ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR Full-Frame là ống tiêu chuẩn normal thì khi gắn trên máy DSLR crop sensor lại là ống kính góc hẹp hơn, tương đương ống kính có tiêu cự dài hơn trên FF. Chẳng hạn ống kính 50mm gắn trên máy ảnh số có cảm biến tỷ lệ x1.5 là 75mm.

Đang tải 2641965_3.jpg… 
  • Ống kính trung bình (normal):
    Là ống có độ dài tiêu cự tương đương đường chéo khung phim hoặc cảm biến của máy ảnh dùng ống kính này. Chẳng hạn máy ảnh phim 35mm, kích thước khung phim là 24mm x 36mm có đường chéo là 43mm thì tiêu cự trung bình là từ 45mm - 55mm. 

  • Ống kính télé ( ống kính tiêu cự dài, ống kính tầm xa):
    Là ống kính có độ dài tiêu cự lớn hơn tiêu cự của ống kính normal. Loại ống này cho ta góc nhìn hẹp đến rất hẹp, tức là khuếch đại rất lớn các thành phần nhỏ của chủ đề trong khung ảnh. Vì vậy, ống tele hữu dụng khi cần lấy chi tiết một chủ đề mà ta không thể tiếp cận.

  • Ống kính zoom (đa tiêu cự):
    Là ống kính thay đổi được tiêu cự. Nếu tiêu cự thay đổi trong khoảng tiêu cự ngắn được gọi là wide-zoom (chẳng hạn ống 14-24mm); nếu thay đổi trong khoảng tiêu cự dài được gọi là tele-zoom (chẳng hạn ống 100-400mm); nếu thay đổi từ tiêu cự ngắn đến tiêu cự dài thì được gọi đơn giản là zoom).
Đang tải 4499744_A9-tinhte.vn00022_copy_copy.jpg…
Ống góc rộng sẽ thu được nhiều thứ trong một bối cảnh, tạo nhiều thông tin cho ảnh

ỐNG KÍNH GÓC RỘNG & NHỮNG ĐẶC TÍNH
  • Góc thu hình từ 60° - 180°
  • Vùng ảnh rõ (dof) rất sâu
  • Tăng sự nổi bật của chủ đề ở gần trong phối cảnh rộng, ống càng có tiêu cự ngắn, hiệu ứng này càng tăng. Tỷ lệ gần xa rất mạnh tạo tương quan tiền cảnh hậu cảnh độc đáo nếu dùng đúng cách.
  • Đường chéo khung hình là phần mạnh nhất trong tầm nhìn góc rộng, kéo hướng nhìn về hội tụ rất xa. chẳng hạn con hẻm cụt có thể như một ngõ sâu hun hút.
  • Hạn chế các chủ đề hình dạng tròn, mặt người ở gần góc và cạnh khung dễ bị biến dạng.
Đang tải 2724744_2642020_10440703_250392511829503_3112801633690867818_n.Camera.Tinhte.vn.jpg… 
Cái lư hương ở nhà thờ Mằng Lăng trong ảnh trông rất to so với nhà thờ - hiệu ứng góc rộng

Như vậy, thay vì sử dụng ống góc rộng như là chỉ để chụp cảnh rộng, hoặc chụp đông người trong căn phòng hẹp hay bối cảnh hẹp, thì nên khai thác các hiệu ứng thú vị mà một ống góc rộng mang lại. Người ta gọi là hiệu ứng góc rộng.

Một trong hiệu ứng góc rộng thú vị là tỷ lệ "gần - xa" (trước hay dùng từ "luật viễn-cận") của các chi tiết (thành phần) xuất hiện trong khung ảnh tạo ra tương quan tiền cảnh và hậu cảnh "to - nhỏ" ngộ nghĩnh. Mình chụp một vài tấm thử và mời anh em cùng chia sẻ góc chụp sáng tạo, vui vẻ của anh em với hiệu ứng này.
  • Máy ảnh thì lấy nét vật ở gần, khép khẩu f/8-f/11-F/22 để có khoảng ảnh rõ sâu.
  • Điện thoại thường có ống góc rộng, và vì cảm biến rất nhỏ, nên khoảng ảnh rõ rất sâu, nghịch hiệu ứng này hiệu quả. Lấy nét & canh khung bấm chụp thôi. (Mình đang tính viết một bài về việc tại sao bạn thích điện thoại có nhiều camera và có thật sự bạn cần dùng không?)
Nhờ góc rộng, tại một vị trí gần, thu được nhiều chi tiết cho nội dung ảnh:

Đang tải 4499875_cover_.jpg…Đang tải 4023323_V20-_-camera.tinhte.vn_-58.jpg…Đang tải 3959013_LG_V20.tinhte.vn--15.jpg…Đang tải 4023231_V20-_-camera.tinhte.vn_-19.jpg…Đang tải 3959034_LG_V20.tinhte.vn--10.jpg…

NHỮNG LƯU Ý

Vì đặc tính riêng của tiêu cự ngắn, nếu tận dụng đúng ý muốn thì tạo hình có tính chất thú vị, kịch tính hoặc hiệu quả tiêu cự rộng. Nhưng, nếu không chú ý, có thể tấm ảnh chụp được sẽ có những điều không ưng ý như sau:
  • Sự méo lệch các đường thẳng ở mép ảnh trong ảnh phong cảnh
  • Sự thay đổi tỷ lệ kích thước trong ảnh kiến trúc
  • Sự dị dạng méo mó các chi thể khi chụp chân dung
Đang tải 2299253_camera.tinhte.5.jpg…
cảnh vật cong lệch do góc rộng và chụp thấp

Đang tải 2299272_camera.tinhte.24.jpg…
Mép ảnh bị kéo dãn

Đây là những ảnh vui vẻ khai thác hiệu ứng của ống góc rộng:
Đang tải 2724713_4.Camera.Tinhte.vn.jpg…Đang tải 2724712_3.Camera.Tinhte.vn.jpg…Đang tải 2724719_NX3000_2.Camera.Tinhte.vn.jpg… 

ỐNG KÍNH GÓC RỘNG CỦA CÁC HÃNG 
Đây là phần phụ lục, liệt kê những ống kính góc rộng của các hãng đang có. Phân loại tạm cho các dòng định dạng FF / APS-C hoặc một tiêu cự và đa tiêu cự để cần thì anh em dễ search tìm tham khảo.

Nikon

Là hãng sản xuất nhiều óng kính góc rộng cho máy ảnh DSLR (FF - fullframe) và cả DX (APS-C).
  • AF-S NIKKOR 24-70mm f / 2.8E ED VR ; AF-S NIKKOR 20mm f / 1.8G ED Nikon AF NIKKOR 20mm f / 2.8D ; AF DX Fisheye-NIKKOR 10.5mm f / 2.8G ED và ống AF Fisheye-NIKKOR 16mm f / 2.8D ; AF NIKKOR 14mm f / 2.8D ED và AF-S NIKKOR 24mm f / 1.4G ED là hai ống góc rộng đỉnh và đắt. AF-S NIKKOR 24mm f / 1.8G ED hoặc AF Nikkor 24mm f/ 2.8D
  • PC-E NIKKOR 24mm f / 3.5D ED là ống góc rộng đặc biệt chuyên dụng cũng như ống kính Tilt-Shift Nikon NIKKOR 19mm f / 4E ED.
  • Zoom góc rộng chất lượng có các ống AF-S NIKKOR 14-24 f / 2.8G ED , AF-S NIKKOR 16-35mm f / 4G ED VR và AF-S Zoom-NIKKOR 17-35mm f / 2.8D IF-ED
  • Nikon có các ống một tiêu cự thuôc loại "ngon bổ rẻ" như ống kính AF-S DX NIKKOR 35mm f / 1.8G ED , AF NIKKOR 35mm f / 2D , AF-S NIKKOR 28mm f / 1.8G , AF-S NIKKOR 28mm f / 1.4E ED và AF-S NIKKOR 35mm f / 1.4G.
  • Ống góc rộng cho máy MRL ngàm Z có: Nikkor Z 24-70mm f / 4 S và Nikkor Z 35mm f / 1.8 S.

Canon

Năm nay, Canon cũng giới thiệu máy không gương lật full-frame đầu tiên của mình và đi cùng với nó là một cặp zoom và macro góc rộng: RF 28-70mm f / 2L USM , Canon RF 24-105mm f / 4 L IS USM và Canon RF 35mm f / 1.8 IS STM Macro.
  • Canon có ống kính một tiêu cự và ống kính zoom góc rộng cho các máy ảnh DSLR full-frame và APS-C bao gồm ống kính EF 11-24mm f / 4L USM và ống kính EF 35mm f / 1.4 II USM . 

  • Ống kính góc rộng mình từng dùng và rất thích là Fisheye USM của EF 8-15mm f / 4L cho máy ảnh DSLR full-frame chụp được các góc mắt cá 180 độ đến góc nhìn 108 độ. Khi được sử dụng trên máy ảnh định dạng APS-C, bạn sẽ có được hình ảnh 180 độ toàn khung. Ống kính EF 16-35mm f / 2.8L III USM của Canon là phiên bản thế hệ thứ ba của zoom góc rộng phổ biến.
  • Ống kính EF 16-35mm f / 4L IS USM có thêm tính năng ổn định hình ảnh. Tương đương tiêu cự và khẩu độ, không có ổn định hình ảnh (và rẻ hơn khoảng 150 đô) là ống kính EF 17-40mm f / 4L USM. Ống kính EF-S 10-18mm f / 4.5-5.6 IS STM là một tùy chọn góc rộng lý tưởng cho các máy APS-C.

  • Các ống EF 14mm f / 2.8L II USM , EF 24mm f / 1.4L II USM và Canon EF 35mm f / 1.4L II USM đều là thuộc dòng cao cấp L-series, trong vài năm qua, Canon đã bổ sung thêm EF 24mm f / 2.8 IS USM , EF 28mm f / 2.8 IS USM và EF 35mm f / 2 IS USM. Góc rộng gọn thì có Canon EF 20mm f / 2.8 USM; EF-S 24mm f / 2.8 STM, dành cho máy ảnh APS-C, thuộc loại ống kính "pancake" mỏng khoảng 38mm. Canon cũng cung cấp một số ống kính tilt-shift, bao gồm ống góc rộng TS-E 17mm f / 4L và TS-E 24mm f / 3.5L II . Một ống zoom dành riêng cho máy ảnh Canon EF-S là Canon EF-S 10-18mm f / 4.5-5.6 IS STM, tương đương 16 - 28.8mm (FF).
Sony
  • Sony E-mount cho máy ảnh full-frame bao gồm ống kính Sony FE 28mm f / 2 và Distagon T * FE 35mm f / 1.4 ZA với khẩu độ lớn, có hệ thống mô-tơ AF siêu âm Direct Drive và vòng chỉnh khẩu độ. Rộng hơn đó là Fisheye 16mm f / 2.8 của Sony.
  • Năm nay, Sony giới thiệu một chiếc Sony FE 24mm GM mới, thêm chọn lựa cho anh em thích một ống zoom đa năng từ góc rộng có ổn định hình ảnh: Sony E 18-135mm f / 3.5-5.6 OSS.

  • Ống kính Sony Vario-Tessar T * FE 16-35mm f / 4 ZA OSS là zoom góc rộng chất lượng. Cần khẩu độ lớn thì có ống kính Vario-Sonnar T * 16-35mm f / 2.8 ZA SSM II. Ngoài ra, đối với ngàm E cho FF có ống kính Sonnar T * FE 35mm f / 2.8 ZA, cơ chế lấy nét bên trong êm mượt và lớp lót chống bụi và chống ẩm.
  • Ống kính ngàm E-APS-C bao gồm hai ống pancake mỏng, 16mm f/2.8 và E 20 mm f/2.8, ống kính Macro 30mm f / 3.5, độ phóng đại 1: 1, ống khẩu độ lớn hơn là Sonnar T * E 24mm f / 1.8 ZA ống kính Sony 35mm f / 1.4 Distagon T * FE ZA tiêu cự dài hơn một chút nhưng khẩu lớn hơn và ống kính ngàm E 10-18mm f / 4 OSS, tương đương 15-27mm, khẩu độ tương tự và ổn định hình ảnh.

  • Sony A-Mount DSLR có ống kính Fisheye 16mm f / 2.8 là ống kính rộng nhất có sẵn cho ngàm A ; zoom thì có Sony FE 16-35mm f / 2.8 GM được ra mắt gần đây, ống kính Prime góc rộng 20 mm f/2.8, ống kính Distagon T * 24mm f / 2 ZA SSM Prime được Zeiss chế tạo và ống kính Prime 35mm f / 1.4 G. Ống kính 16-35mm f / 2.8 ZA SSM II Vario-Sonnar T * là thế hệ thứ hai, với khẩu độ khá lớn, trang bị lớp phủ T * (T-Star).
Fujifilm

  • Đối với dòng máy ảnh không gương lật nhỏ gọn X-series của Fujifilm, ống kính rộng nhất và mới nhất là Fujifilm XF 8-16mm F2.8 R LM WR , zoom tương đương 12-24mm (FF) có thiết kế chịu thời tiết. Fujifilm cung cấp năm ống kính góc rộng chính và một ống zoom. Ống kính OIS XF 10-24mm f 4 R có tiêu cự tương đương 15-36mm (FF), có trang bị tính năng ổn định hình ảnh quang học và khẩu độ f/4 toàn dải, động cơ lấy nét bên trong mượt mà và chính xác, và chế độ macro có thể lấy nét gần 9,4 ".

  • Các ống kính Prime bao gồm XF 16mm f /1.4 R WR có khẩu độ rất lớn, thiết kế chống bụi, chịu thời tiết, tráng phủ Nano-GI và HT-EBC. Ống kính XF 14mm f / 2.8 R, tương đương 21mm (FF) giảm độ méo tối thiểu, thêm ống kính XF 18mm f/ 2.0 R có thiết kế nhỏ gọn và ống kính XF 23mm f /1.4 R là ống có tiêu cự tương đương tiêu cự 35mm (FF) cho anh em thích đường phố. Cuối cùng, ống kính XF 27mm f / 2.8, có sẵn màu Bạc hoặc Đen, nhỏ gọn có động cơ AF mô-men xoắn và lớp phủ HT-EBC của Fujinon tăng độ trong hình ảnh.
Panasonic
  • Panasonic có 4 ống kính một tiêu cự góc rộng cho dòng máy ảnh định dạng Micro Four Thirds dòng Lumix G. Đầu tiên là Lumix G 8 mm f / 3.5 Fisheye, góc nhìn 180 độ; Lumix G Leica DG Summilux 15mm f / 1.7 ASPH tương đương 30 mm (FF) độ mở rất lớn và lấy nét nhanh; ống kính nhỏ gọn Lumix G 20mm f / 1.7 II ASPH, có màu Đen hoặc Bạc; 

  • Ống zoom góc rộng của Panasonic có Lumix G Vario 7-14mm f / 4 ASPH, được Zeiss thiết kế, tiêu cự tương đương với ống kính 14- 28mm trên máy ảnh DSLR 35mm full-frame.

Olympus

  • Ống kính M.ZUIKO cho dòng máy ảnh Micro Four Thirds của Olympus có: Zoom mới nhất là ống kính M.ZUIKO Digital ED 7-14mm f / 2.8 PRO, tương đương 14-28mm (FF), có thiết kế quang học tinh xảo và khả năng chống chịu thời tiết. Ống kính M.ZUIKO Digital ED 9-18mm f/4.0-5.6

  • M.ZUIKO Digital ED 12 mm f / 2.0 có màu Bạc hoặc Đen tương đương tiêu cự 24mm, thiết kế bằng kim loại nhỏ gọn và bền bỉ cho các dòng máy ảnh OM-D và PEN. Hai ống kính 17mm thì một có khẩu f/1.8 và một phiên bản f/2.8 rất nhỏ gọn. Ống kính Digital ED 8 mm f /1.8 Fisheye PRO, tương đương 16mm (FF), được bổ sung hệ thống lấy nét tự động im lặng và thiết kế chống bụi, nước.
Leica
  • Leica cung cấp các lựa chọn ống kính góc rộng tiêu cự cố định: 18mm / f3.8 Super-Elmar-M ASPH, 21mm f / 1.4 Summilux-M ASPH và 24mm f /1.4 Summilux-M ASPH. Ngoài ra, có Tri-Elmar-M 16-18-21mm f / 4 ASPH.
  • Vào năm 2014, Leica đã giới thiệu T-System, một hệ thống máy ảnh thay đổi ống kính không gương lật APS-C và vào năm 2015, máy ảnh Leica SL không gương lật FF đã xuất hiện với ngàm L. Ống kính ngàm T phù hợp với máy ảnh T và SL; tuy nhiên hệ thống T là định dạng APS-C. Điểm mới cho máy ảnh Leica S-series là Leica Super-Vario-Elmar-SL 16-35mm f / 3.5-4.5 ASPH, một siêu rộng cực chất.

  • Cho máy ảnh SL là ống kính Vario-Elmarit-SL 24-90mm f / 2.8-4 ASPH, với động cơ lấy nét tự động từng bước, ổn định hình ảnh quang học và thiết kế chống ẩm chịu thời tiết. Đối với hệ thống T, Leica có ống kính Summicron-T 23mm f / 2 ASPH, tương đương tiêu cự 35mm (FF). Zoom có ống kính Super-Vario-Elmar-T 11-23mm f /3.5-4.5 ASPH, tương đương 17-35mm (FF) có 4 thấu kính phi cầu được đặt trong một ống kính kim loại nhỏ gọn rất đẹp.

  • Cuối cùng, nếu bạn đang tìm một tùy chọn góc rộng cho máy ảnh Leica S-series với tiêu cự lý tưởng chụp đời thường, có Leica 24mm f/3.5 Super-Elmar-S ASPH.

Còn các hãng làm ống kính khác như Voigtländer, Samyang, Tamron, Tokina, Rokinon, Zeiss... có rất nhiều ống góc rộng cho các dòng máy ảnh trên. Mình sẽ sưu tập và bổ sung sau. Nhiều quá.