5 điều nói dối người mới chụp ảnh vẫn thường được nghe từ một số nhiếp ảnh gia

Nói là 5 điều nói dối thì cũng hơi nặng, nhưng tính chất của các câu nói thì không ngoa chút nào. Một số tay máy hay nói điều này điều nọ với những người mới chụp như lời khuyên hay tự "nâng bi" mình lên một đẳng cấp nào đó. Đó có thể câu chuyện mua vui, đó cũng có thể là cách khua môi kiếm tiền.

1. Máy ảnh gì ư? Không quan trọng, quan trọng là ý tưởng.
Có thể bạn hơi ngán ngẩm với một người mới chơi ảnh khi anh ta hỏi chuyện liên tục về các thiết bị máy móc. Nhưng đã là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, vui lòng đừng nói tránh cho qua chuyện bằng câu nói: Đừng quan tâm máy móc, quan trọng là cái đầu, cái ý tưởng. Hoặc một tay máy nào đó "chém" với người mới chơi về trình chụp của mình nào là góc nhìn, nào là bắt khoảnh khắc chứ đừng quan tâm đến máy móc thiết bị, cái gì chụp ra hình cũng được.

Người viết bài cũng đã từng cho bao nhiếp ảnh gia nói câu như thế mượn máy ảnh và ống kính khi có "job" cần máy ảnh. Cũng định bảo rằng: sao không nói với khách hàng như nói với mình nhỉ?

Có thể bạn chụp cho mình, vui vẻ, bắt khoảnh khắc thì điện thoại cũng được, nhưng khi có những yêu cầu về công việc, yêu cầu về thiết bị của khách hàng thì không thể nào tránh nói chuyện thiết bị được. James Nachtway, một nhiếp ảnh gia huyền thoại về ảnh chiến tranh, ông chỉ dùng vài ống kính, thiết bị đơn sơ đi chụp, nhưng khi gặp bạn bè, ông vẫn thao thao khoe mình vừa tậu ống 24-70mm mark II. Cho nên, thiết bị quan trọng đấy, đừng dối tôi mấy anh photographer.

Đang tải f51829de13eaadcb4ec61c88c939c9f9.jpg…
James Nachtway với ống kính và máy ảnh mới, ông vẫn thường xuyên trao đổi về thiết bị với bạn bè. Ảnh: precise-moment
2. Hãy là chính mình.
Rất nhiều "bậc tiền bối" trong làng chụp ảnh sẽ xoa đầu các bạn mới và dặn dò: "Hãy luôn là chính mình". Luôn thể hiện mình trong từng khung hình, đừng quan tâm đến ý kiến của ai khác. Hoặc những tay "gà" như mình nghe nhiều về các giai thoại rằng anh nhiếp ảnh gia đó đã đứng lên đi về ngay khi khách hàng ra yêu cầu chụp ảnh như thế này, như thế kia.

Nó có thể đúng trong vài trường hợp, nhưng:
- Nếu một photographer chụp pre - wedding mà bắt cô dâu chú rể chụp ảnh thật lãng mạn trong nhà thờ trong khi cả hai họ theo đạo Phật thì chắc có lẽ bạn nên xem lại.
- Nếu một nhiếp ảnh gia nghe khách hàng "brief" về brand và phân khúc sản phẩm tầm cao của họ mà lại trả lời tôi sẽ chụp bằng smartphone, không thì thôi thì cũng nên nhìn lại tính chuyên nghiệp.
- Nếu khách hàng gọi một tay máy đi chụp sự kiện và có sự hiện diện của yếu nhân, bạn chụp xoá phông có tiền cảnh đè lên che khuất người quan trọng rồi khung hình nghiêng bay theo phong cách của mình thì hình ảnh chắc cũng không ai dám dùng.

Nói chung, nên nghiên cứu thật kỹ các tình huống chụp, lắng nghe kĩ yêu cầu của khách hàng và đặt cái tôi của mình lên trên hết trong từng khung hình của bạn khi khách hàng hay bộ hình cần điều đó.

Đang tải Terry-Miley.jpg…
Terry Richardson, tay máy ngổ ngáo nhưng chính mình quá mức trong khi chụp đã bị kiện bởi người mẫu và các hãng thời trang lần lượt huỷ hợp đồng. Nhưng trước đó, cũng chính vì phong cách của anh mà các hãng săn đó. Ảnh:sickchirpse

3. Đừng quan tâm đến mấy cái lối mòn.
Có rất nhiều tay máy trẻ, tiếp cận với nhiếp ảnh đương đại của phương Tây và sẽ luôn ca thán về các hình ảnh đúng bố cục 1/3, bố cục Lê Văn Sỹ (L shape - V shape và S shape) là lối mòn và khuyên những người mới cầm máy hãy quên những điều đó đi hướng tới những góc chụp lạ, phá bố cục.

Cứ ngồi xuống xem hình ảnh của những Steve McCurry, xem các bìa tạp chí Thời Trang danh tiếng có theo những bố cục mà tạo ra hiệu ứng thị giác "mặc định" trong não bộ của con người hay không. Phá cách, phá bố cục chỉ cần thiết khi bạn muốn dùng nó để nói lên điều gì. 

Đang tải Screen-Shot-2015-03-23-at-12.29.11-PM.png…
Bố cục kinh điển 1/3 trong ảnh của Steve McCurry. Ảnh: iso.500px.com

4. Văn mình vợ người.
Đây là câu mà người ta hay nói cho việc ai đó luôn tự khen bản thân. Đa phần, những tay máy "tự khen" rất cố chấp luôn cho ảnh của mình là số một là nhất. Họ luôn "nhìn xuống" khi thấy ảnh của ai đó. Tự tin là tốt, nhưng đôi khi việc "ngồi thấp" nhìn lên cũng có một góc nhìn lạ và học hỏi được nhiều hơn.

Đang tải terry_richardson_sex_scandaljpg.jpg…
Ảnh minh hoạ. Ảnh: fashionista.com


5. Tin anh đi, cái này là nhất.
Người viết bài này đã từng có được những lời khuyên hữu ích từ những bậc đàn anh, rất đáng quý và trân trọng. Nhưng một số lời khuyên không đúng hoàn cảnh hoặc lời khuyên "như đúng rồi" thì mình cũng đã gặp nhiều. 

Đã đôi lần nhận được lời khuyên kiểu như: Ống này là nhất, mày phải có, quay nét tay chậm tí thôi nhưng ngon cực, máy này cũ thế thôi nhưng nó là huyền thoại. Nhưng sự thật là những ống kính đó, máy đó thì bậc đàn anh chỉ xem review rồi nói lại chứ chưa bao giờ cầm chụp thử. Và bản thân nghề chụp dịch vụ sự kiện thì ống kính lấy nét tay hoàn toàn không phù hợp. 

Đang tải 4229749519_4d57bda813_b.jpg…
Xài sao? Ảnh nói là ngon lắm mà. Ảnh minh hoạ: Stephen Holsinger


Kết:

Lời khuyên cho những ai mới chập chững vào nghề chụp cũng rất đáng quý và trân trọng. Nhưng có bạn đến với nhiếp ảnh như một thú tiêu khiển, nhưng có bạn chọn nó làm nghề nên các lời khuyên gần được lọc lại và áp dụng. 5 lời "nói dối" thì chắc hơi ít, anh em có bị rơi vào tình trạng nào thì cùng nhau chia sẻ cho vui. Chúc anh em có nhiều lời khuyên bổ ích từ bạn bè anh em. 

Ảnh bìa: publicdomainpictures.net