Video hướng dẫn thiết lập "khẩu độ ống kính / độ mở ống kính" cho người học chụp ảnh

Đây là Video thảo luận về "khẩu độ của ống kính".

Như bạn đã biết, khẩu độ là độ mở của ống kính để cho ánh sáng lọt vào máy ảnh, và có thể điều chỉnh được. Nó càng mở rộng, thì ánh sáng càng vào nhiều và ngược lại. Thay đổi trị phơi sáng bằng cách điều chỉnh khẩu độ, tức là bạn đang thay đổi kích thước của khẩu độ. Và, khi thay đổi kích thước của khẩu độ / độ mở của ống kính chuyện gì sẽ xảy ra.


TÓM TẮT ĐƠN GIẢN

4696049_Untitled-16.jpg 4696050_Untitled-17.jpg


GIẢI THÍCH PHỨC TẠP

Trị số F là gì?

Các số đo của khẩu độ mà các bạn hay nghe nói là F này F kia chính là kích thước của khẩu độ so với độ dài tiêu cự (trị F của một ống kính là tỷ số của độ dài tiêu cự chia với đường kính khẩu độ). Tính toán này làm cho nó trở thành một tỷ lệ hoặc trị số nghịch đảo, nghĩa là khẩu độ càng lớn thì số đo càng nhỏ, và ngược lại. Ví dụ f/4 thì có số đo nhỏ hơn f/8 nên f/4 là khẩu độ lớn hơn f/8. Tiếp đến, các loại ống kính khác nhau đều có những trị số khẩu độ tối đa và tối thiếu khác nhau. Nắm được như vậy rồi thì đây là những trị số khẩu độ phổ biến, vì một số ống kính có khẩu độ lớn hơn như f/095, f/1.2, f/1.8... Đây là dãy trị số khẩu độ phổ biến phải nhớ :

3971627_camera.tinhte.vn-3.jpg




Lượng ánh sáng đi qua ống kính
Khi nói lượng sáng đi qua ống kính, người ta dựa vào khẩu độ mở lớn tối đa của ống kính đó. Khẩu độ của một ống kính ở đây ý nói về đường kính của cửa điều sáng bên trong mỗi một ống kính. Nó có thể mở lớn hoặc khép nhỏ. Đường kính đó được diễn đạt bằng một chỉ số f, chẳng hạn f/2.8 hoặc f/16. Chỉ số f của một ống kính là một biểu thức toán học được dùng để xác định khẩu độ của tất cả các loại ống kính có độ dài tiêu cự khác nhau và cùng cho một giá trị lượng sáng đi qua như nhau.

  • Chỉ số f càng thấp, khẩu độ sẽ càng mở lớn. Với khẩu độ càng mở lớn thì càng nhiều ánh sáng đi đến với cảm biến. Những khẩu độ “mở lớn” là : f/1.4 hoặc f/2.8.
  • Chỉ số f càng cao, khẩu độ sẽ càng khép nhỏ. Với khẩu độ càng khép nhỏ thì càng ít ánh sáng đi vào cảm biến. Những khẩu độ “khép nhỏ” là : f/16 hoặc f/22.
Bạn có từng nghe các câu như "ảnh hơi thiếu sáng, mở thêm một khẩu" hoặc "ảnh hơi dư sáng, khép bớt một khẩu". Trong nhiếp ảnh, chúng ta đối diện với việc thỏa thuận khi nói đến phơi sáng. Ví dụ, làm thế nào để chúng ta có thể định giá một thay đổi kích thước của khẩu độ so với thời lượng của tốc độ màn trập? Và tiếp đến, bằng cách nào để chúng ta định được độ nhạy của cảm biến ảnh (hoặc phim) khi so với hai điều chỉnh kia? Khái niệm về ‘stop’ là cách chúng ta dùng để có chọn lựa các thông số ấy phù hợp. Hiểu rõ tính chất ấy là điều kiện tiên quyết rất cần cho việc làm chủ chiếc máy ảnh của bạn và kiểm soát tiến trình phơi sáng. Hãy nhớ là máy ảnh của bạn có thể được thiết kế để thay đổi các trị khi tăng lên 1/3 ‘stop’. Vì thế, chẳng hạn, máy ảnh của bạn sẽ không trực tiếp chuyển từ f/5.6 đến f/8.0. Thay vào đó, nó sẽ chuyển từ f/5.6 > f/6.3 > f/7.1 > f/8.0 khi bạn click vào núm điều chỉnh. Và, mình vẫn thường "buộc" một vài bạn theo học chụp máy dùng film trước đây phải học thuộc lòng dải khẩu độ, dải tốc độ màn trập, dải ISO là vậy.

Chế độ chụp A / Av - ưu tiên khẩu độ

Các điều ghi nhớ liên quan đến chế độ A trên máy ảnh:
  • A - khi chọn chế độ A không phải là chế độ chụp Auto đúng nghĩa Auto chụp hoàn toàn tự động, giao phó tất cả cho máy ảnh xử lý, mà A viết tắt là Aperture Priority, nghĩa là ưu tiên KHẨU ĐỘ ỐNG KÍNH.
  • A - khi chụp chế độ A, tức là người chụp MUỐN tự mình chọn KHẨU ĐỘ ỐNG KÍNH theo ý mình. Mà khẩu độ ống kính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến DOF. (DOF - viết tắt của Depth of Field mà dân chụp hay gọi là "đóp" hay "đốp". Đơn giản nó là từ để diễn tả khoảng ảnh rõ nét và những gì ngoài khoảng rõ nét đó trong ảnh. Muốn cho chủ đề của bạn rõ nét thì nó phải nằm trong khoảng DOF của ảnh. Khi bạn lấy nét, trên một trục thẳng ta thấy ngoài điểm mà bạn cần muốn nét thì một số điểm phía trước điểm đó và phía sau điểm đó cũng rõ nét, khoảng ảnh rõ nét đó gọi là khoảng DOF.)
  • A - khi chụp chế độ A, là bạn muốn có DOF như ý muốn của mình, khoảng ảnh rõ trong ảnh dày hay mỏng theo ý của mình. Tức là không bận tâm đến tốc độ màn trập tương ứng là bao nhiêu, đối tượng tĩnh hay động, thậm chí để ISO Auto để máy tự cân đong đo đếm chọn ISO tương ứng mà không quan tâm đến độ mịn hay nhiễu hạt.
  • A - Muốn làm chủ chủ DOF, chọn chế độ A, thay đổi thông số khẩu độ theo ý muốn, bấm chụp!
4398940_anigif.gif
Nguyên tắc:
Khẩu độ càng lớn (chỉ số F càng nhỏ) thì khoảng DOF sẽ càng ít/mỏng/cạn và ngược lại. Ví dụ bạn chụp ở khẩu độ f/2.8 thì DOF sẽ ít hơn (cạn hơn, mỏng hơn) so với chụp ở khẩu độ f/22 (dày hơn, sâu hơn) nếu chụp cùng một chủ đề, cùng một khoảng cách chụp và cùng điều kiện ánh sáng. Thông thường để dễ hiểu chúng ta cần ghi nhớ đơn giản như sau:
  • Khẩu độ lớn = số F nhỏ = DOF mỏng
  • Khẩu độ nhỏ = số F lớn = DOF sâu
3607131_3549383_camera-begining-hocchupanh-tinhte.vn--8.jpg
3607132_3549487_camera-begining-hocchupanh-tinhte.vn--13.jpg



THỰC HÀNH

Chọn chế độ A để làm chủ DOF

Quan sát các thông số để rút ra nguyên tắc, để chủ động tuỳ chỉnh theo ý mình, không phải xin cái thông số để chụp lại y thông số đó là ra được ảnh giống y như thế đâu.
  • Thiết lập máy ảnh chế độ chụp A - ưu tiên khẩu độ ống kính.
  • Chọn 1 chủ thể để chụp, nên là chủ thể tĩnh như góc nhà, hàng cây, ....
  • Xoay vòng xoay chỉnh khẩu độ từ chỉ số f nhỏ đến lớn, chẳng hạn: f/2.8 - 4, 5.6, 8, 11, 16 ... và chụp cùng 1 chủ đề, lấy nét tại cùng 1 điểm, tại 1 vị trí đặt máy và cùng tiêu cự.
  • Chép hết ảnh vào máy tính, xem lại thông số chụp, nhất là chỉ số F - khẩu độ ống kính.
  • Quan sát DOF


________
Phụ thêm:
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến DOF:
Chúng ta nói đến chế độ chụp A, ưu tiên chọn khẩu độ ống kính để làm chủ DOF. Tuy nhiên, có 2 yếu tố khác ảnh hưởng đến DOF, cũng nên nói ở đây cho các bạn mới chơi: Đó là tiêu cự ống kính và khoảng cách từ vị trí đặt máy ảnh đến chủ thể được chụp.

Tiêu cự ống kín là khoảng cách từ tâm của ống kính đến bề mặt cảm biến / phim. Tuỳ theo độ dài tiêu cự ống kính, trường sâu độ ảnh sẽ cho hình ảnh không còn giống như mắt nhìn trong cảnh thực. Với ống kính trung bình, chiều sâu ảnh trường gần tương tự như mắt nhìn, nhưng với ống kính tele (tiêu cự dài) thì chiều sâu ảnh trường sẽ thu hẹp lại, hình ảnh có hậu cảnh gần hơn cảnh thực tế, các lớp ảnh sít lại gần nhau; trong khi đó với ống kính góc rộng (wide) thì chiều sâu ảnh trường bị đẩy xa ra, hình ảnh thu được có hậu cảnh xa hơn so với cảnh thực, không gian có cảm giác rộng hơn so với thực tế.

Tóm lại chỉ cần nhớ:
  • Về khẩu độ ống kính:
    • Khẩu độ lớn = số F nhỏ = DOF mỏng / cạn.
    • Khẩu độ nhỏ = số F lớn = DOF sâu / dày.
  • Về tiêu cự ống kính:
    • Tiêu cự ống kính càng dài thì khoảng DOF càng mỏng / cạn.
    • Tiêu cự càng ngắn thì DOF càng sâu / dày.
  • Về khoảng cách từ máy ảnh đến chủ đề:
  • Khoảng cách từ ống kính đến chủ đề càng gần thì DOF càng mỏng / cạn.
  • Khoảng cách này càng xa thì DOF sẽ càng sâu / dày.